Đúng ngày kỷ niệm Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/2024, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie Hà Nội, đã có mặt tại Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đây là lần đâu tiên kể từ thảm họa lũ quét, thầy Khang trực tiếp gặp mặt 22 đứa cháu nội không cùng huyết thống.
Cách đây 3 tháng, sự kiện người thầy 75 tuổi vừa khóc vừa cầm trên tay tờ danh sách bôi đỏ bôi vàng đánh dấu sự mất – còn của những đứa trẻ Làng Nủ đã gây xung động sâu sắc trong toàn xã hội. Sau đó, thầy Khang đã nhận nuôi 22 cháu bé còn sống sót sau thảm họa lũ quét, và thực tế các cháu đã ngay lập tức được chu cấp đầy đủ về ăn, học, chăm sóc suốt 3 tháng qua.
Tuy vậy, bài viết dưới đây sẽ không nói về những dự án cộng đồng của thầy Khang ở Làng Nủ hay Mèo Vạc mà đa số công chúng đã biết. Thay vào đó, là những mẩu chuyện ít được kể và cả những mẩu chuyện lần đầu thầy Nguyễn Xuân Khang mới tiết lộ. Tất cả đều cho thấy ở đó một phương pháp sư phạm nhất quán, một nhân cách nhà giáo với phương châm: dạy học trò thành người tử tế là quan trọng nhất, bao dung học trò như ông bà cha mẹ đối với con cháu…
Những nội dung này được trích lược từ Tập 5 Podcast Human Voice kéo dài gần 2 giờ, một chương trình thuộc hệ sinh thái Giải thưởng Hành động Vì cộng đồng – Human Act Prize 2024 do Báo Nhân dân chủ trì, Công ty cổ phần VCCorp phối hợp tổ chức.
32 năm trước, tôi là giáo viên dạy vật lý duy nhất của khối chuyên Toán cấp 3, thuộc Đại học Tổng hợp. Trong phòng thí nghiệm do tôi quản lý vừa nhận về một thùng thiết bị mới được tài trợ từ CHDC Đức, thì có hai học sinh đã lén mở khóa và lấy đi một số món đồ. Một học sinh khác biết chuyện đã mách với tôi.
Tôi bảo em học sinh báo tin là chưa vội nói cho ai, để thầy kiểm tra. Sau khi đánh giá về bản chất sự việc không hề có động cơ ăn trộm thông thường, mà chỉ vì các em rất hiếu học lẫn tò mò, mà tôi lại có một phần lỗi là không lắp ghép cho các em xem. Tôi đã đi gặp hai học sinh kia.
– Các em lấy đồ thí nghiệm của thầy phải không?
– Vâng ạ! Chúng em xin lỗi thầy ạ!
– Thế bây giờ để đâu rồi?
– Dạ chúng em để ở nhà.
– Thế chơi chán chưa?
– Dạ rồi ạ! Mai thầy cho chúng em mang vào trả.
– Ừ thôi, mang vào trả đi. Chuyện này thầy trò mình biết thôi nhá. Thầy cũng hiểu rồi…
Nhưng rồi chuyện cũng đến tai lãnh đạo Khoa Toán. Một hội đồng kỷ luật được thiết lập để xem xét vấn đề vụ việc theo hướng đây là vụ “trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”, tức là vấn đề trở nên rất nặng nề vào thời bấy giờ. Hồi ấy, nghe cái tội danh này như sét đánh ngang tai. Tôi cũng là giáo viên trẻ. Nên lúc ấy, hội đồng kỷ luật thành lập, đến thầy cũng sợ chứ đừng nói chuyện chỉ có học trò sợ. Sợ trách nhiệm.
Căng thẳng lắm. Bố mẹ của hai học sinh ấy cũng được mời đến dự. Tôi trình bày là về sự việc thì đây là một vụ trộm, nhưng bản chất thì là không, các em không có động cơ ăn trộm như mọi người vẫn nghĩ. Vì cái vật dụng này không phải đồ gia dụng, không có giá trị sử dụng, bán không ai mua. Chỉ vì các em tò mò và bây giờ thì các em đã trả lại đầy đủ, không mất mát một chút nào kể từ những chi tiết nhỏ nhất. Cho nên tôi xin bảo lãnh cho các em này được tiếp tục học ở đây. Phụ huynh khóc, học trò cũng khóc và hứa là cam kết là sẽ tích cực học tập, chăm chỉ học tập và không tái phạm nữa.
Sau cái việc ấy thì cả đời sau này có xui đi nữa thì tụi nó cũng không tái phạm là chuyện chắc chắn rồi. Cuối năm đó, hai học sinh này cùng nhiều học sinh trong lớp được đi du học ở Đức, tiếp tục phát triển cuộc đời và sự nghiệp một cách bình thường, thay vì bị khép tội “tày đình” và trả về địa phương.
Bây giờ nhìn lại thì tôi nghĩ phải gọi đó là hai “kẻ trộm lương thiện”, và họ nay đã trở thành hai nhà khoa học, hai nhân vật rất nổi tiếng ở trong xã hội Việt Nam. Tôi không tiện kể tên các em.
Thật ra hành động đó của tôi cũng không có gì là đặc biệt cả, là một cái việc rất bình thường mà thầy cô nào cũng sẽ làm. Ở vào tình huống trong lớp xảy ra một vụ trộm, những ông thầy dù nhắm mắt hay mở mắt để khám túi học trò để biết là học trò A hoặc học trò B lấy trộm của bạn, rồi sau đó không công bố tên “kẻ trộm” – đấy là cái phương pháp giáo dục của những người ngửi mồ hôi học sinh hàng ngày vẫn làm. Tôi cũng vậy thôi.
Cách đây khoảng 10 năm, chính trong trường tôi có một em học sinh lên mạng viết những ngôn từ xúc phạm cô giáo chủ nhiệm, với những lời lẽ như “hàng tôm hàng cá”. Mà em này vốn là một học sinh có học lực giỏi, bình thường rất ngoan.
Khi đó, thầy giáo phụ trách ở cơ sở này gọi điện cho tôi: “Thầy ơi, chiều 4h30 mời thầy về cơ sở dự cuộc họp, có sự việc học sinh lên mạng chửi bới cô, chúng tôi đã in ra bài viết, cô giáo chủ nhiệm rất bức xúc. Chúng tôi đã mời cả bố và mẹ của em này đến nữa”.
Tôi lập tức yêu cầu hủy ngay buổi họp và dặn thầy giáo ấy: “Anh cứ coi như không có chuyện này, còn giải quyết vụ việc như thế nào đấy là chuyện của tôi”.
Sau đó, tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm ấy, đề nghị cô làm một việc khó: “Cô hãy cố gắng lờ cái chuyện này đi. Tôi biết là cô ở trạng thái cực kỳ bức xúc. Cô hãy kìm lại. Cô vẫn cứ dạy bình thường, coi như sự việc ấy. Tôi sẽ gặp cô vào chiều nay, chỉ gặp một mình cô thôi. Tôi sẽ nói rõ điều này”.
Buổi chiều hôm đó, tôi về qua gặp cô giáo nói rõ với cô vì sao buổi sáng tôi gọi điện như thế. Tôi cam kết với cô rằng nếu cô cứ làm như vậy, cùng lắm là hai tuần, bé học sinh này sẽ chủ động đến gặp và xin lỗi cô.
Thật ra tìm hiểu biết nội tình sự việc sở dĩ bức xúc của em học sinh đó là do có hai sự kiện. Một lý do là em này bị cô đổi chỗ ngồi khiến em không thích, tuổi trẻ con mà. Tiếp đến là em đó bị cô chấm hạnh kiểm mức T2 (thay vì chấm T1), khiến em không được danh hiệu xuất sắc. Em đó vốn có học lực G1 là mức học lực cao nhất trong thang học lực G1 đến G4 của trường tôi. Vì thế, em đó thấy bức xúc và xả cái cảm xúc ấy ra, theo cách rất đúng với tâm lý của trẻ con.
“Chỉ cần cô thông cảm được thì học sinh sẽ biết, rồi sẽ sà vào lòng và xin lỗi cô. Lúc bấy giờ hơn mọi thứ kỷ luật”. Sau khi tôi nói thế, cô giáo cô hiểu, và cô thực hiện đúng như lời tôi nói.
Thế là đến sáng thứ bảy của tuần đó, em học sinh chờ cả lớp về hết, rồi kéo cô vào lại lớp học, không thanh minh hay giải thích gì cả, nói lời xin lỗi cô, và sà vào lòng cô mà khóc.
Cái khoảnh khắc ấy diễn ra y chang như tôi dự đoán, như là kịch bản sẵn vậy, nhưng đây không phải là diễn, đây là thực tế cuộc sống. Không cần phải trình bày, không cần nhân chứng vật chứng, không phải hội đồng kỷ luật, không phải mời bố mẹ học sinh đến, nhưng sẽ thay đổi một cách triệt để về tình cảm giữa cô và trò.
Hiện tại học sinh này đã tốt nghiệp đại học, đi làm rồi, và đặc biệt là từ đó trở đi, cô giáo chủ nhiệm này gắn bó với đời sống của đứa trẻ ngày ấy mãi mãi, hai cô trò trở nên thân thiết nhau không thể thiếu được trong cuộc sống.
Nói vui là tôi không biết là có được phong nhà tâm lý học hay không, nhưng mà cuộc sống dạy cho tôi như thế.
Quan điểm tôi trong giáo dục là học trò thì luôn luôn phạm lỗi. Không ngày hôm nay thì ngày hôm sau, không ở trường thì ở nhà. Phạm lỗi không làm bài tập, không thuộc bài, rồi những cái gì Toán giao, cô Sử giao, cô Lý giao v.v. không làm hết bài thì đó là cũng là phạm lỗi. Mà lỗi của học trò thì những người có trách nhiệm gần gũi phải giúp sửa. Ở nhà thì bố mẹ, anh chị, ở trường thì thầy cô giáo.
Phải giúp các con sửa và coi việc mắc lỗi của trẻ con là đương nhiên, không phải cái gì kinh khủng. Người lớn chúng ta cũng dễ mắc lỗi chứ đâu phải không, các cụ đã dạy rằng “nhân vô thập toàn”, không có ai 10 phân vẹn 10 cả, huống hồ là cái tuổi dở dở ương ương, khôn chưa ra khôn dại không còn dại. Thế nên mắc lỗi là bình bình thường.
Dù vậy tôi cũng nghĩ các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm, không phải lúc nào cũng luôn quán xuyến hết cả lớp có 30 học sinh. Thế nên là 5 năm nay tôi có thành lập thêm phòng “Tâm lý học đường”.
Tôi tìm những người được đào tạo có trình độ cao về tâm lý học, và phải có thực tiễn trải nghiệm về công việc tư vấn này, mời họ về, chuẩn bị cơ sở vật chất cho họ chu đáo, và họ chỉ làm duy nhất việc là tháo gỡ tâm lý của trẻ con, của học trò.
Họ không phải trực tiếp làm công tác quản lý học sinh, không phải kiêm nhiệm việc đó. Nhiều trường thì giáo viên giáo dục công dân hay một vị trí nào đó kiêm nhiệm, nhưng như thế tôi nghĩ là không chuyên trách. Tôi mời những người là chuyên gia về tâm lý, và chỉ làm việc này thôi.
Tôi gọi đó là căn phòng 2 chuyên: chuyên môn và chuyên trách.
Và thực tế thì từ nhiều năm nay, trường Marie Curie không cần phải lập hội đồng kỷ luật học sinh, một phần quan trọng là vì các vấn đề nảy sinh đã được tháo gỡ từ lúc trong trứng nước. Chẳng hạn, một sự việc mâu thuẫn có nguy cơ xảy ra chuyện học sinh đánh nhau chẳng hạn, thì thông qua quá trình tư vấn tâm lý, đã được tháo gỡ.
Không chỉ các trường hợp giáo viên chủ nhiệm giới thiệu học sinh đến với phòng Tâm lý học đường, mà có những học sinh chủ động đến, khi các con cảm thấy rắc rối ở trong trong suy nghĩ, trong tâm lý, tình cảm. Những cái cabin nhỏ ngồi riêng rẽ, chuyên gia tâm lý gặp riêng, nói chuyện riêng, thậm chí có những thông tin của trẻ không nói với bố mẹ. Nhiều học sinh giữ bí mật, chỉ nói với cô tư vấn tâm lý. Các con thổ lộ rồi thì chuyên gia tâm lý có nghề nghiệp, họ mới tháo gỡ được và giải quyết được.
Nhưng nhiều khi, nguyên nhân vấn đề tâm lý của các em lại không phải ở trường, giữa bạn bè, học sinh với nhau, mà lại từ ông bố bà mẹ. Các quan điểm giáo dục các ông bố bà mẹ khác nhau và nó tác động đến con cái, từ đó thể hiện ra những hành vi đôi khi không đúng mực trên lớp học. Nhà trường phát hiện vấn đề ở trên lớp học, nhưng nguyên nhân lại nằm ở gia đình, ở ông bố và bà mẹ.
Thế nên có những lần phải kéo bố mẹ vào tham gia vào bài toán tâm lý này, chứ không phải là chỉ cán bộ tư vấn tâm lý làm việc với học sinh ấy mà thôi. Có những trường hợp ông bố là người có cương vị trong xã hội, tổng giám đốc một công ty lớn, sau khi phối hợp giải quyết thì nhận ra vấn đề ở mình, đã xúc động rơi nước mắt. Như vậy thì phải biết rằng họ xúc động sâu sắc thế nào.
Cho nên là “đánh đông dẹp bắc”, tập trung vào học trò, cuối cùng có khi lại giải quyết được cả cho bố và mẹ. Và như thế vấn đề được xử lý một cách bền vững.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập có kể trên báo chí rằng anh ngạc nhiên khi thấy trong phòng tiếp khách của thầy Khang không hề treo một cái cờ thi đua, bằng khen hay một danh hiệu nào, cũng không thấy treo ảnh thầy Khang chụp với ông nọ bà kia, chỉ thấy treo bức ảnh thầy chụp với học trò, anh nhìn nhận đây là chuyện rất lạ lùng.
Anh Lập quan sát thế cũng đúng. Tôi là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến bây giờ là 25 năm qua, và còn tiếp tục tham gia ít nhất 5 năm nữa. Quả thực số lần tôi có cơ hội chụp ảnh chung với các vị lãnh đạo rất nhiều, và thật sự tôi cũng có các có ảnh chụp cùng các vị ấy, vào những dịp đại hội.
Đó là những tấm ảnh kỷ niệm rất quý, và tôi để trong album, chứ không nhất thiết cần phô lên tường. Vì người không hiểu thì nói là khoe, thậm chí nói là “hù dọa” kiểu ông này có quan hệ với quan chức lớn. Trong khi, đó là những bức ảnh rất quý giá. Và tôi để trong album.
Còn về bức ảnh chụp với học trò, là do một nhà báo chụp được khoảnh khắc đó, họ quý mến nên phóng to ra và gửi tặng. Đó là bức ảnh tôi ngồi với trẻ con lớp một. Tôi rất thích cái cái thần thái của mình cũng như là cái đám trẻ xung quanh.
Gần đây, có một bức ảnh nữa xuất hiện trong phòng làm việc của tôi, đó là bức ảnh chụp năm 1927, là chân dung 29 nhà khoa học của thế kỷ 19 và 20. Trong số này, có một người phụ nữ là bà Marie Curie, là người mà tôi vô cùng trân quý.
Tôi cũng nói với học trò, để trở thành bà Marie Curie và những người vĩ đại khác không dễ một chút nào, nhưng học cái đức tính của các vĩ nhân đó thì ai cũng học được. Thầy cũng đang học, và các con cũng có thể học được.
Ngắm bức ảnh đó là một niềm vui thích của riêng tôi, như là một cái gì đấy để răn dạy mình hàng ngày. Hai bức ảnh, một bức ảnh với học trò, một bức ảnh để mình tự nhìn lại mình. Thế là đủ rồi.
Bức ảnh này tôi cũng cho in khổ lớn treo ở sảnh của trường Marie Curie, học sinh hoặc khách đến thăm trường đều có thể nhìn thấy.
Ngoài những hình ảnh như vậy, trường Marie Curie không treo bất kỳ tấm biển khẩu hiệu nào, kể cả những tấm biển như “Tất cả vì học sinh thân yêu” hay “Tiên học lễ – Hậu học văn”.
Hồi mới lập trường năm 1992, thầy giáo phụ trách công tác quản lý học sinh mới đề xuất treo câu khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”, ở một vị trí trang trọng trong trường, việc đó vốn là rất tự nhiên. Nhưng tôi nói không nhất thiết phải làm.
Tôi nói với thầy giáo đó rằng: Nếu tất cả chúng ta giữ được cái điều đó ở trong tim, tức là tất cả vì học sinh thân yêu, thì câu đó nó sẽ lên đầu và từ đầu nó sẽ ra tay, và chúng ta sẽ làm. Làm tuần thứ nhất, năm thứ nhất chưa được thì tiếp tục làm những năm sau.
Khẩu hiệu ở trong tim, chứ không phải ở trên tường. Tương tự với những câu khẩu hiệu như câu “Tiên học lễ – Hậu học văn” cũng vậy. Quan điểm của tôi là: Những vấn đề nêu ra trong các câu khẩu hiệu, kể cả với trẻ con hay người lớn, muốn lưu giữ được thì nó phải nằm trong tim.
Thế cho nên trường tôi cho đến bây giờ không có một công khẩu hiệu nào cả. 32 năm tuyệt đối không có khẩu hiệu.
Trong suốt cuộc đời làm giáo dục, nếu cần gọi tên một triết lý sống mà tôi tâm đắc nhất, thì có một điều mà tôi ngẫm trong cuộc sống là như thế này. LÀM LÁ LÀNH. Nói triết lý sống hay kinh nghiệm sống thì cũng được, là 3 chữ L (3L). Còn nếu nói vui một chút là: LÀ LÁ LA.
Mọi người, và chính bản thân tôi cũng thế, có thể xuất phát là lá rách, thậm chí là lá rách nhiều. Nhưng mà sống cần phải có mục tiêu, phấn đấu để thoát ra khỏi cái thân phận thiếu thốn nghèo hèn của mình, để từ lá rách trở thành lá lành. Khi đã là lá lành thì mình không những lo được cho bản thân mình, lo được những người gần gũi của mình, ví dụ như làm cha thì lo được cho con, làm chồng thì lo được cho vợ, lo được cho cha mẹ già, mà lại còn lo được cho những cái thân phận khác đang rách trong xã hội.
Bố mẹ tôi, hai công chức thấp của nhà nước, nuôi 7 đứa con, trong đó có bản thân tôi, một gia đình như thế ở thập kỷ 1960, thì hẳn mọi người đều biết rằng chắc chắn là thiếu thốn lắm. Rồi đến khi tôi tốt nghiệp ra trường, đi dạy trong kỳ bao cấp, còn chiến tranh, thì cũng rất thiếu thốn. Đến bây giờ thì tôi vượt qua được cái giai đoạn thiếu thốn đó, để trở thành một cái lá lành và tôi làm được những cái việc cho bản thân mình, cho gia đình mình. Và sau đấy, như mọi người đã biết, tôi cùng các cán bộ trường Marie Curie cũng có thể làm được kha khá việc cho bà con huyện Mèo Vạc, rồi gần đây là tình cảm đặc biệt dành cho các con được sống sót sau trận lũ quét ở Làng Nủ.
Lực nó tòng với tâm. Khi mình là lá lành, thì lực nó tòng với tâm. Chứ cũng có rất nhiều người, rất có tâm, nhưng mà lực không tòng. Tức là vẫn đang rách, thì lấy đâu khả năng mà mà giúp đỡ người khác được?
Trước khi nhận nuôi 22 cháu bé Làng Nủ, thầy Khang và trường Marie Curie Hà Nội đã ‘bén duyên’ với huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang qua nhiều hoạt động cộng đồng với cách làm bền vững.
Điển hình trong đó là các dự án: trồng hàng vạn cây xanh rừng đầu nguồn; dạy tiếng Anh online trong suốt 3 năm cho 2609 học sinh lớp 3 từ năm học 2022-2023; đào tạo 33 giáo viên tiếng Anh người bản địa để giải quyết tận gốc tình trạng cả huyện chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh tiểu học (tiến hành từ cuối năm 2023); đầu tư 100 tỷ đồng xây Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Mèo Vạc sau đó “chìa khóa trao tay” tặng tỉnh Hà Giang – dự án hiện tại đã xong phần thiết kế, đầu năm 2025 sẽ khởi công.
Hiện tại, thầy Khang cũng đang được đề cử là một trong những nhân vật truyền cảm hứng của Giải thưởng WeChoice Awards năm 2024 với chủ đề “Việt Nam tôi đó”. Bạn có thể bình chọn cho Wechoice Awards tại đây.
Ý kiến bạn đọc (0)